Giới thiệu Hạnh Thục ca

Hạnh Thục ca được Nguyễn Thị Bích khởi sự viết sau khi Kinh thành Huế thất thủ vào tháng 7 năm 1885, và hoàn thành sau năm 1900, tức sau lễ bát tuần của Thái hậu Từ Dụ.

Đây là áng văn chương thời thế, kể lại một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của nước Việt. Giải thích tên tác phẩm, Lệ Thần Trần Trọng Kim cho biết đại ý như sau:

Gọi là Hạnh thục là lấy tích vua Đường Minh Hoàng xưa kia lánh loạn An Sử chạy vào đất Thục, ý cũng như vua Hàm Nghi bấy giờ phải chạy ra Quảng Trị. Theo nghĩa chữ nho, khi vua đi đến đâu gọi là hạnh. Hạnh Thục là vua đi đến đất Thục. Vì có cái hoàn cảnh hơi giống nhau như thế, cho nên bà Nguyễn Nhược Thị mới lấy hai chữ ấy mà đề nhan quyển sách của mình.[1]

Kể từ khi hoàn thành, mãi cho đến năm 1950, Hạnh Thục ca mới được nhà xuất bản Tân Việt cho ấn hành tại Sài Gòn. Người có công phát hiện, biên dịch và chú thích tác phẩm là Trần Trọng Kim. Kể lại điều này, ông viết:

...Tôi tìm được quyển sách này ở Huế, tôi liền đưa cho trường Bác cổ sao lấy một bản, tôi lại cho ban văn học ở Khai trí tiến đức sao lấy một bản. Còn bản của tôi giữ, thì đem dịch ra làm mấy bản bằng quốc ngữ, phòng khi ở chỗ này mất, thì ở chỗ khác hãy còn. Ấy cũng nhờ vậy mà sau cuộc binh lửa cuối năm Bính Tuất (1946) bao nhiêu sách vở của tôi bị đốt cháy, mà còn có người giữ được một bản... Nay tôi đem chú thích những tiếng khó bằng chữ nho và những tiếng tối nghĩa, rồi chia nguyên văn ra từng đoạn, có đề mục nhỏ ở cạnh rìa, để người ta xem cho dễ hiểu...[1].